Vi phạm Hiệp định Hiệp_định_Paris_1973

Sau khi lực lượng quân sự Hoa Kỳ rút hết vào cuối tháng 3 năm 1973, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Giải phóng miền Nam và phía Việt Nam Cộng hòa tố cáo nhau vi phạm Hiệp định, tuy nhiên hai bên không có hoạt động quân sự lớn nào trong năm 1973. Việt Nam Cộng hòa đã ráo riết thực hiện Chiến dịch Tràn ngập lãnh thổ từ đêm 24/01/1973 và hàng loạt kế hoạch quân sự trong toàn bộ năm 1973, đầu năm 1974[21][22]. Đế đáp trả, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Giải phóng miền Nam chuẩn bị cho việc đánh dứt điểm chính quyền Việt Nam Cộng hòa nhưng quá trình chuẩn bị được bắt đầu từ cuối năm 1973 (sau Chiến dịch Tràn ngập lãnh thổ được thực thi). Bên cạnh đó, Việt Nam Cộng hòa cũng đã thực hiện Chiến dịch Lý Thường Kiệt từ năm 1973 để từng bước một loại bỏ các lực lượng của Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam nhưng bất thành[23][24].

Chiến dịch Tràn ngập lãnh thổ thậm chí được Việt Nam cộng hòa lên kế hoạch từ năm 1972 để đề phòng khả năng Hiệp định không có lợi cho Việt Nam Cộng hòa.[25] Các Kế hoạch như Hùng Vương, Lý Thường Kiệt (1973-1974) và kế hoạch toàn diện lâu dài (1973-1978) đã được Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đưa ra nhằm nhanh chóng bình định miền Nam Việt Nam, nâng cao khả năng tác chiến của Quân lực Việt Nam Cộng hòa[26]. Tới ngày 18-02-1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu triệu tập phiên họp các tướng lĩnh tại Dinh Độc lập để soát xét việc thực thi Kế hoạch quân sự Lý Thường Kiệt 1975. Theo đó, Quân khu II được nhận định là hướng trọng điểm trong đợt tấn công xuân-hè, trước khi Chiến dịch Tây Nguyên xảy ra.[27]

Về nguyên tắc thì các bên ký kết phải thừa nhận miền Nam Việt Nam tạm thời có hai chính quyền (tuy nhiên không có định nghĩa về hai chính quyền đó), nhưng sẽ nhanh chóng được thay thế bằng một chính quyền mới. Số quân Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chiến trường lúc đó, số quân của họ trên đường mòn Hồ Chí Minh, số vũ khí họ mang vào và mang ra là những dữ liệu không thể kiểm chứng được nhưng theo số liệu cung cấp của Hoa Kỳ là 219.000 người (thấp hơn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa với 920.000 người). Lượng viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã hội Chủ nghĩa khác viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn có thể kiểm soát tại các cửa khẩu trên bộ, cảng hàng không và cảng biển (Trong hiệp định không cấm nước ngoài viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà chỉ cấm cung cấp vũ khí cho các bên ở miền Nam Việt Nam). Tương tự, vũ khí Mỹ vào Việt Nam qua các cảng và cầu hàng không cũng dễ dàng được quản lý. Tuy vậy việc Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và 23.000 cố vấn quân sự cho Việt Nam Cộng hòa là một sự vi phạm các điều khoản liên quan tới việc cấm Hoa Kỳ can dự vào miền Nam Việt Nam trong Hiệp định Paris và khiến cho phía Việt Nam Cộng hòa có thêm động lực để tiến hành các hoạt động quân sự chống lại Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, điều khoản về ngăn cấm các bên lập căn cứ quân sự trên đất Lào trung lập là nhượng bộ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng phía Vương quốc Lào lại vi phạm lệnh ngừng bắn trong Hiệp ước Viêng Chăn, tạo điều kiện để Pathet Lào tương trợ lẫn nhau với Quân đội Nhân dân Việt NamQuân Giải phóng miền Nam Việt Nam[28][29]. Tại Campuchia, điều tương tự cũng xảy ra khi quân đội của Lon Nol tấn công quân đội của Pol Pot, tuy nhiên, Pol Pot đã không nhận được sự hỗ trợ từ phía Quân đội Nhân dân Việt NamQuân Giải phóng miền Nam Việt Nam[30].

Việt Nam Cộng hòa

Chính trị

Phía Việt Nam Cộng hòa đã sử dụng bộ máy tuyên truyền của mình để bóp méo diễn biến Hội nghị Paris. Trong câu đầu của Hiệp định “Các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam” được họ giải thích là “chỉ có hai phe tham dự hòa hội Ba Lê (Paris). Một phe là Việt Nam cộng hòa và đồng minh Hoa Kỳ và phe kia là Cộng sản”. Trên thực tế, đây là Hội nghị 04 bên bao gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòaCộng hòa miền Nam Việt Nam. Ở Điều 2, câu “việc chấm dứt hoàn toàn chiến sự nói trong điều này là vững chắc và không thời hạn” bị chỉnh sửa như sau: “Bản tiếng Anh dùng chữ “durable and without limit of the time” trong khi đó bản văn tiếng Việt lại dịch là “vững chắc và không thời hạn”. “Durable” không có nghĩa là vững chắc, mà chỉ có tính chất lâu dài. Lợi dụng điểm c, điều 3 không quy định cụ thể về lực lượng vũ trang của các bên, chính quyền Sài Gòn đặt “cảnh sát quốc gia” và “nhân dân tự vệ” nằm ngoài phạm vi của hiệp định. Tuy nhiên sau đó, hai lực lượng này trở thành nhân tố chủ yếu hỗ trợ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tiến hành cuộc chiến tranh “giành dân, lấn đất” với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Nhằm tránh thực hiện Điều 6 của hiệp định “hủy bỏ tất cả các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ và các nước khác”, quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành bàn giao toàn bộ căn cứ, phương tiện chiến tranh cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa trước khi hiệp định được ký kết.[31]

Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã ra "công điện mang tay” mật – thượng khẩn số 5458/TTM/P345 ra lệnh cho các đơn vị cấm “phổ biến các tin tức chiến sự trên báo chí, đài phát thanh hay vô tuyến truyền hình”, trong đó nêu rõ: “Từ nay cấm không được nói rõ số lượng phi xuất, hải xuất, pháo binh yểm trợ… mà phải thay đổi hình thức giải thích đó là các hoạt động có tính cách phản ứng tự vệ".[32] Điều 4 của Nghị định thư về ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam và về các ban liên hợp quân sự, mặc dù Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhiều lần đề nghị nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn cự tuyệt. Ngày 19/02/1973, Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng chính quyền Sài Gòn, ban hành Công văn số 437/PThT/BĐPT/KH “Tuyệt đối không có việc tự động bắt tay giữa các chỉ huy trưởng đơn vị các cấp của ta (Quân lực Việt Nam Cộng hòa) với địch (Quân giải phóng) để chia khu vực và để cho địch tự do di chuyển”[33]

Tại Hội nghị giữa hai bên miền Nam Việt Nam ở Sài Gòn, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cũng luôn tìm cách né tránh giải quyết các vấn đề theo đúng tinh thần Hiệp định Paris. Mặc dù thừa nhận Điều 10 của Hiệp định “đặt ra một tiên quyết là phải ngừng bắn trước đã rồi mới thảo luận được vấn đề hòa bình. Chỉ sau ngừng bắn thực sự, hai bên mới có thể thương lượng với nhau về các giải pháp cho các vấn đề tranh chấp” nhưng tại Hội nghị của hai bên miền Nam, khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra Đề nghị 6 điểm, trong đó đầu tiên là tôn trọng ngừng bắn rồi mới giải quyết các vấn đề khác thì phía chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lại đưa ra Đề nghị 5 điểm, trong đó đưa vấn đề tổng tuyển cử lên trước.[34]

Chính Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố:

"Quốc tế bây giờ nói ông Thiệu không thi hành Hiệp định Ba Lê... A lê quốc tế dẹp, chuyện này không phải của mấy người. Tôi biết tôi phải làm cái gì, Hiệp định Ba Lê này mấy ông có đọc chưa, mấy ông thuộc bằng tôi không, mấy ông xen cái lỗ mũi vô trong chuyện của tôi... Ôi đồ ba cái thứ là hội quốc tế này, quốc tế kia đánh điện, tôi xé tôi vứt vào giỏ rác, kể cả Liên Hợp Quốc cũng chẳng làm cái trò trống gì cho nên hình... Đừng nói giải pháp chính trị, giải pháp chính trị rồi đưa tới Cộng sản...Cái hòa bình number one đó là chết, là ở yên trong lòng đất, là cái hòa bình số 1; cái hòa bình thứ 2 là hòa bình dưới chế độ Cộng sản... Hễ nó (quân giải phóng) giỏi nó thắng mình chịu. Mình thắng nó phải chịu. Không có cái chánh phủ liên hiệp tiên quyết... Đi lại chính phủ liên hiệp tiên quyết bây giờ như mấy cha mà đi cổ vũ đó, nói chính phủ liên hiệp, chính phủ liên hiệp thì là trở lại những chuyện mà mình (VNCH) đã đấu tranh mấy năm trời để tránh nó ở trong cái bản hiệp định"[35]..."Sẽ không có tổng tuyển cử, sẽ không có chính phủ liên hiệp, sẽ không có phân chia vùng kiểm soát, sẽ không có lực lượng thứ ba và không có một Chính phủ Cách mạng lâm thời nào[36]"

Bên cạnh đó, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu một mặt luôn tuyên truyền khẩu hiệu rằng "Cộng sản Bắc Việt xâm lược miền Nam", mặt khác lại luôn tuyên bố họ sẽ chủ động tấn công: "Đánh cái thằng Cộng sản phải đánh với thằng Cộng sản cho hữu hiệu, hữu hiệu hơn thằng Cộng sản vì hỏa lực chúng ta (VNCH) hơn thằng Cộng sản"[37]..."Chúng ta (VNCH) phải có những hành động ngay từ đầu, phải ngăn ngừa cái hành động chuẩn bị tổng phản công của Cộng sản một cách thích đáng".[38]

Quân sự

Mặc dù trong các ngày 22-1, 17-2, 3-3-1973, chính quyền Việt Nam Cộng hòa có ban hành các công điện, huấn thị về thực thi lệnh ngừng bắn nhưng chỉ trong đêm 27 rạng sáng 28.1, quân đội Sài Gòn đã thực hiện 15 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên, 19 cuộc hành quân cấp tiểu khu và chi khu (theo bản tổng hợp tình hình của Bộ tổng tham mưu sáng 28.1). Trong số này có các cuộc hành quân quan trọng: Đại Bàng (tại vùng Quảng Trị - Thừa Thiên), Lam Sơn (Thừa Thiên), Quang Trung (Quảng Nam), Quyết Thắng 27A (Quảng Tín - Quảng Ngãi), Dakto 15 (Kon Tum)... Tổng kết hoạt động tháng 1, quân đội Sài Gòn đã thực hiện 694 cuộc hành quân cấp tiểu đoàn trở lên, tăng 34% so với tháng 12/1972.[31] Hoạt động của Hải quân và Không quân Việt Nam Cộng hòa được tăng cường mạnh mẽ khi số lượng chuyến hải xuất tăng 9% so với tháng 12/1972. Cường độ hoạt động của không quân tăng 100%. Ngay trong tháng 1-1973, Không lực Việt Nam Cộng hòa đã thành lập thêm 1 phi đội mới với việc tuyển dụng 691 sĩ quan, 2426 Hạ sĩ quan, 1960 lính và nhận thêm 31 phi cơ của Hoa Kỳ. Năng lực tác chiến của lực lượng trọng pháo tăng 100%, của lực lượng tăng-thiết giáp tăng 85%[39]

Để thực hiện Chiến dịch Tràn ngập lãnh thổ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu giao Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa gấp rút "gọi nhập ngũ hạng tuổi thuộc thành phần học sinh", Bộ Nội vụ gấp rút nhắc nhở, đôn đốc treo cờ tại những nơi khó gỡ.[40]

Phiếu nghiên cứu của lực lượng an ninh diện địa của Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa ghi rõ:

"Những cuộc hành quân (hành quân sau khi Hiệp định được ký) dù rằng được biện minh chỉ là những cuộc hành quân tự vệ, nhưng vẫn không khỏi mang một tính cách quân sự quá lộ liễu không hợp tình và hợp lý với dư luận quốc tế...Ta vận dụng hình thức chính quy chiến, trận địa chiến... quân số của ta được duy trì ở mức 1.100.000 người"[41]

Chiến dịch Tràn ngập lãnh thổ được lên kế hoạch từ năm 1972, trong đó phải gây tổn thất tối đa cho phía Quân Giải phóng, lực lượng Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa đóng vai trò then chốt trong việc tìm kiếm mục tiêu để Quân lực Việt Nam Cộng hòa tấn công.[25] Ngay trong đêm ký Hiệp định, phía Việt Nam Cộng hòa đã tổ chức 74 cuộc hành quân, trong đó 44 ở Quân khu 1, 10 ở Quân khu 2 và 20 ở Quân khu 3[42]

Đặc biệt, lúc 07h58' ngày 28/01/1973, 2 phút trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Quân lực Việt Nam Cộng hòa sử dụng lực lượng biệt kích và xe tăng tấn công căn cứ Cửa Việt của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam[43] Đây là cuộc tấn công "Tràn ngập lãnh thổ" lớn nhất của Việt Nam Cộng hòa, diễn ra ở phía bắc tỉnh Quảng Trị, nhằm đánh chiếm một vị trí quan trọng là cảng Cửa Việt. Ngày 21/1/1973, tướng Abrams, tướng Heige và tướng Ngô Quang Trưởng ra lệnh tiến hành Chiến dịch Tangocyti (tên gọi trận tấn công Cửa Việt của QLVNCH do các cố vấn Hoa Kỳ đặt). Đêm 25/1/1973, các tiểu đoàn 9 (lữ đoàn đặc nhiệm), 3 (lữ đoàn 258), lữ 147 và hơn 140 xe tăng nổ súng tấn công. Không lực Hoa Kỳ điều động 80 phi vụ B-52, pháo binh từ hạm đội 7 và 4 tiểu đoàn pháo ở thị xã Quảng Trị bắn hơn 60.000 viên đạn pháo yểm hộ cho quân Việt Nam Cộng hòa. 23 giờ ngày 27/1/1973, lữ đoàn đặc nhiệm đã tiếp cận cảng Cửa Việt. Đến 1 giờ ngày 28/1/1973, Bộ tư lệnh B5 quân Giải phóng biết tin và điều trung đoàn 101 và 5 xe tăng đánh vào sườn Lữ đoàn đặc nhiệm, bắn cháy 8 xe tăng đối phương nhưng không ngăn được đối phương tiến về cảng Cửa Việt. Rạng sáng ngày 28/1/1973, Bộ tư lệnh B5 tiếp tục điều 5 tiểu đoàn chi viện cho các lực lượng giữ Cửa Việt, đến trưa thì điều tiếp Trung đoàn 24 (sư đoàn 304) và 1 đại đội xe tăng (thuộc trung đoàn 203) tấn công phía sau cánh quân của đối phương. Rạng sáng 31/1/1973, quân Giải phóng tổ chức tổng công kích đồng loạt, ba cụm quân Việt Nam Cộng hòa ở cảng bị diệt, hai cụm quân còn lại chạy về Mỹ Thủy. Cuộc hành quân Tangocyti của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa đã thất bại.

Ngày 12/10/1973, tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã đề nghị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu Hoa Kỳ hỗ trợ về không quân trong các cuộc hành quân thuộc Chiến dịch Tràn ngập lãnh thổ.[44]

Trong năm 1973, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng đã đưa ra Kế hoạch Quốc phòng 4 năm (1974-1978), trong đó nêu rõ Tiêu diệt hạ tầng cơ sở của địch (Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam) ở nông thôn, lực lượng lục quân có 14.000 người/sư đoàn gồm biệt động quân, nhảy dù, thủy quân lục chiến,[45]

Đầu năm 1974, Quân lực Việt Nam Cộng hòa tiếp tục có những đợt tấn công nhằm vào lực lượng đối phương tại các khu vực trọng điểm như tại Quân khu 5, Kon Tum, Pleiku, xung quanh Sài Gòn,...

Hoa Kỳ

Để tiếp tục giữ thế cân bằng chiến lược với Liên Xô, Mỹ vẫn tiếp tục can dự vào nội bộ miền Nam Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. Mỹ thực hiện 03 giải pháp gồm: 1. tiếp tục viện trợ quân sự, kinh tế và cố vấn cho Việt Nam Cộng hòa thực hiện kế hoạch 05 năm xây dựng và củng cố Quân lực Việt Nam Cộng hòa nhằm thực hiện bình định, phá thế "da báo", mở rộng vùng kiểm soát, trọng điểm là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; 2. Rút quân nhưng để lại vũ khí, khí tài và nhiều nhân viên quân sự trá hình; 3 Lôi kéo các quốc gia tại Châu Á chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòaCộng hòa miền Nam Việt Nam, gây sức ép buộc Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã hội chủ nghĩa khác giảm viện trợ[46]

Nền tảng để Mỹ tiếp tục can dự vào miền Nam Việt Nam bao gồm 4 trụ cột:

  1. Lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng hòa còn mạnh và vẫn được tiếp tục củng cố. Trên thực tế, quân số và vũ khí Việt Nam Cộng hòa (920.000 người) vẫn vượt trội hơn hẳn so với Quân đội Nhân dân Việt NamQuân Giải phóng miền Nam Việt Nam (219.000 người).
  2. Sức mạnh răn đe của Mỹ ở Đông Á và Đông Nam Á vẫn còn khi Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ và các căn cứ tại Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines vẫn còn 56 tàu chiến và 1.020 máy bay chiến đấu các loại.
  3. Mỹ vẫn tiếp tục rót viện trợ quân sự và kinh tế cho Việt Nam Cộng hòa. Tổng viện trợ của Mỹ dành cho Việt Nam Cộng hòa trong năm tài khóa 1974 là hơn 657 triệu USD, con số này gần gấp đôi tổng viện trợ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận được từ Liên Xô trong cả hai năm 1973-1974.
  4. Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã hội chủ nghĩa khác bắt đầu giảm, thậm chí ngừng viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiêu biểu, sau Thông cáo Thượng hải 1972 giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng giảm đáng kể lượng viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Liên Xô cũng chủ trương không viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòaCộng hòa Miền Nam Việt Nam những vũ khí hiện đại hơn như xe tăng T-62, tên lửa phòng không S-125 Neva/Pechora, tiêm kích MiG-23 song song với việc giảm số lượng viện trợ đối với những loại vũ khí Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đang sở hữu xuống chỉ còn một nửa, thậm chí một phần ba. Theo thống kê của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong 2 năm 1973-1974, tổng cộng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận được 114.532 tấn viện trợ quân sự, trị giá 339.355.353 rúp (~330 triệu USD), chỉ bằng 19% so với 2 năm 1971-1972.

Mục đích của Mỹ tại Việt Nam là từng bước làm Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và chính quyền Cộng hòa miền Nam Việt Nam suy yếu từ đó xóa bỏ thực trạng 02 chính quyền, 02 quân đội, 03 lực lượng chính trị tại miền Nam Việt Nam và biến miền Nam Việt Nam thực sự trở thành 01 quốc gia tách biệt hoàn toàn với miền Bắc Việt Nam như thực trạng trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ sử dụng lực lượng quân sự tại các căn cứ tại Châu Á để răn đe Quân Giải phóng cũng như lấy việc giảm quân số tại đây để tiến hành mặc cả, ép Liên Xô và Trung Quốc giảm viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.[47] Quân số của Mỹ tại Thái Lan ở mức 35.000 người, có 2 tướng, chủ yếu là không quân sẵn sàng can thiệp vào chiến trường Việt Nam bất cứ lúc nào[48]

Tới đầu năm 1973, số lượng viện trợ của Mỹ cho Việt Nam Cộng hòa vẫn rất cao bao gồm 700 máy bay, 500 đại bác, 400 xe tăng và xe bọc thép, 2 triệu tấn vật chất phục vụ chiến tranh.[49] Trong năm 1974, chính quyền Ford vẫn đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ cung cấp 6 tỷ 200 triệu USD để viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa.[50] Từ sau khi Hiệp định được ký tới tháng 4/1974, Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa 27 triệu viên đạn cỡ 7,62x51mm, 112.000 tên lửa và rốc-két các loại (chủ yếu là không đối đất và chống tăng) và 80.000 quả bom các loại.[51]

Việt Nam Dân chủ Cộng hòaCộng hòa miền Nam Việt Nam

Do phía Việt Nam Cộng hòaHoa Kỳ liên tục có các hành động vũ trang nhằm lấn đất, chiếm dân, đặc biệt là các Chiến dịch Tràn ngập lãnh thổ, từ chối ngừng bắn của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, phía Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố họ buộc phải có những hành động vũ trang mang tính phản kháng nhằm buộc chính quyền Sài Gòn thực thi nghiêm chỉnh Hiệp định[52] Trong tuyên bố ngày 25-02-1973 của Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong giai đoạn 28-01 đến 24-2, phía Việt Nam Cộng hòa đã vi phạm Hiệp định khi tiến hành hơn 12.000 cuộc tấn công quân sự vào vùng giải phóng, gây ra hơn 67.000 vụ nổ súng.[53]

Ngày 16-4-1973, Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi Công hàm tới Bộ Ngoại giao các nước ký Định ước Pari về Việt Nam và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Cuốc-va-hem nêu ba vấn đề cấp bách là: ngừng bắn, thực hiện các quyền tự do dân chủthả tù chính trị ở miền Nam. Đây là những vấn đề Mỹ và Việt Nam Cộng hòa liên tục vi phạm. Tháng 10-1973, Hội nghị 21 Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt nam họp đợt hai, tiếp tục khẳng định con đường bạo lực cách mạng; chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao; tận dụng các diễn đàn đấu tranh ngoại giao buộc đối phương phải thi hành Hiệp định Pari; đồng thời chủ động chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp phải tiến hành chiến tranh cách mạng trên khắp chiến trường miền Nam để giành thắng lợi hoàn toàn. Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chủ trương:

“Nắm vững pháp lý của Hiệp định Pari về Việt Nam, giương cao ngọn cờ hoà bình và lập trường chính nghĩa của ta, kiên quyết và kịp thời vạch trần trước dư luận trong nước và dư luận thế giới mọi âm mưu và hành động của địch vi phạm Hiệp định. Ra sức tranh thủ lực lượng Việt kiều ở nước ngoài tán thành và ủng hộ giải pháp của ta; tranh thủ dư luận quốc tế đồng tình, ủng hộ ta, lên án và gây sức ép đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn, ngăn chặn những âm mưu và hành động ngang ngược của chúng”[54]

Ngày 15-10-1973, Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam ra lệnh:

Kiên quyết giáng trả các hành động chiến tranh của chính quyền Sài Gòn, bất cứ ở đâu bằng các hình thức và lực lượng thích hợp.

Tháng 1-1974, Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố cuốn Sách Trắng “Một năm thi hành Hiệp định Pari”, tố cáo Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam Cộng hoà phá hoại có hệ thống Hiệp định, nêu cao thiện chí và quyết tâm của nhân dân Việt Nam, làm rõ trước dư luận thế giới tình hình thực tế ở Việt Nam sau Hiệp định Pari do chính sách can thiệp của Hoa Kỳ và âm mưu kéo dài chiến tranh của chính quyền Việt Nam Cộng hoà.[55]

Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nguyễn Văn Hiếu, đã gay gắt lên án chính quyền Nguyễn Văn Thiệu:

"Các ông (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu) tìm cách phá hoại cái ngừng bắn đó (ngừng bắn theo Hiệp định) mà rõ ràng ý đồ của phía các ông mà theo chúng tôi biết được ở tại chiến trường là tìm cách xóa bỏ những cái vùng của chúng tôi mà người ta thường gọi là những cái da báo ở trong vùng các ông, các ông tìm cách lấn chiếm những cái vùng đó rồi ngay cả những cái vùng giải phóng lớn của chúng tôi các ông cũng tìm cách lấn chiếm mà có những cái cuộc hành quân như thế là sư đoàn, hàng sư đoàn. Cái chuyện này là không thể chối cãi được. Thế thì chúng tôi cho rằng về phía các ông thì rõ ràng là chưa muốn tái lập hòa bình, chưa muốn chấm dứt chiến sự. Cho nên do đó mà chúng tôi thấy rằng bây giờ phải làm thế nào để tái lập hòa bình và chúng tôi đã đề những cái biện pháp hết sức là cụ thể mà tiến tới tái lập được cái hòa bình đó"[56]

Ngày 23-04-174, Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố:

Mỹ vẫn dính líu và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, đã ào ạt trái phép đưa vũ khí và dụng cụ chiến tranh vào miền Nam Việt Nam, để lại và tăng thêm nhân viên quân sự đội lốt dân sự, tăng cường viện trợ cho chính quyền Sài Gòn, ra sức dùng chính quyền Sài Gòn làm công cụ áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, chia cắt Việt Nam lâu dài. Với vũ khí dollar và cố vấn quân sự Mỹ, chính quyền Sài Gòn tiếp tục tiến hành chiến tranh, liên tiếp mở rộng các cuộc hành quân lấn chiếm, mém bom phá vùng giải phóng, đẩy mạnh hoạt động cảnh sát, bình định, tăng cường kềm kẹp khủng bố, ráo riết đôn dân bắt linh, vơ vét lúa lạo và tài sản khác của đồng bào. Đó là nguyên nhân gây nên mọi khổ đau tai họa cho đồng bào miền Nam ngày nay.

Thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris về Việt Nam đã nhiều lần đưa ra tại Liên hiệp quân sự và Hội nghị hiệp thương giữa 2 bên Miền Nam Việt Nam những đề nghị hợp tình hợp lý nhằm giải quyết đúng đắn các vấn đề nội bộ cua miền Nam Việt Nam thực hiện quyền tự quyết thực sự của nhân dân miền Nam Việt Nam, nhưng phía chính quyền Sài Gòn đã không chịu thương lượng nghiêm chỉnh, đã dùng bàn đàm phán để hòng che đậy càc hành động chiến tranh và mưu đồ xóa bỏ thực tế ở miền Nam Việt Nam có 2 chính quyền, 2 quân đội, 2 vùng kiểm soát và 3 lực lượng chính trị.

Một năm qua, phát huy thắng lợi vĩ đại, trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, đồng bào miền Nam ta đã giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập dân chủ và hòa hợp dân tộc kiên quyết đấu tranh và làm thất bại một bước quan trọng âm mưu và hành động của Mỹ và chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định, phá hoại hòa bình. Vùng giải phóng cơ bản được giữ vững; lực lượng Võ trang nhân dân giải phóng, và chính quyền cách mạng không ngừng được củng cố, Cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, kể cả của lực lượng chính trị thứ 3 trong vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát đòi hòa bình thi hành Hiệp định Paris về Việt Nam, đòi dân chủ, cải thiện dân sinh, hòa hợp dân tộc không ngừng phát triển. Trái với ý đồ đen tối và thái độ xảo quyệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn ngoan cố vi phạm Hiệp định, phá hoại hòa bình, tình hình ở miền Nam Việt Nam ngày càng rất nghiêm trọng. 18 năm chiến tranh tàn khốc của Mỹ đã gây ra biết bao đau thương tang tóc và hận thù cho đồng bào ta. Một năm qua những tội ác mới của Mỹ và chính quyền Sài Gòn càng làm cho nỗi đau khổ đó thêm chồng chất, cho nên lúc này hơn lúc nào hết đồng bào miền Nam ta rất thiết tha với hòa bình và hòa hợp dân tộc và kiên quyết đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris về Việt Nam. Để đáp ứng nguyện vọng bức thiết ấy của các tầng lớp nhân dân ta, theo đúng tinh thần và lời văn của Hiệp định Paris về Việt Nam và Thông cáo chung ngày 13-6-1973 trên cơ sở đề nghị 6 điểm ngày 25-4-1973, được nói rõ thêm ngày 28-6-1973, long trọng tuyên bố về việc thực hiện hòa bình, hòa hợp dân tộc ở miền Nam Việt Nam.''[57]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hiệp_định_Paris_1973 http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/vietnam/treat... http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/nhun... http://www.rfa.org/vietnamese/ReadersOpinions/pari... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/readersopin... http://peacemaker.un.org/lao-ceasefire73 http://www.vietnamembassy-finland.org/vnemb.vn/tin... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/01/1301...